Giỏ hàng

CLEAN UP AFTER YOURSELF??

“Các bạn coi cái hình bảng hiệu này nhé. Bảng hiệu này được treo rất nhiều ở nước ngoài. Đầu tiên là mấy chỗ có nhiều trẻ em. Nhưng sau đó, nhiều người lớn có dơ dáy, bầy hầy hơn cả trẻ em, nên người ta treo luôn ở mọi nơi.

“Clean up” là dọn dẹp, sắp xếp. “Pick up” là nhặt lên. “After yourself” tức sau khi sử dụng xong. “Clean up after yourself” là phải làm sạch sẽ, phải dọn dẹp, trả lại hiện trạng y chang như cũ. Đổ giọt nước xuống sàn phải lau khô. Vấy bẩn chỗ nào thì phải làm sạch chỗ ấy.

     

Your habits are a reflection of you: Thói quen của mày chính là tấm gương phản chiếu mày là ai. Habit (đọc là há bịt) là thói quen. Reflection (đọc là rì phéc sình) là phản chiếu lại, phản xạ lại. Nên mình phải để ý, ở đâu treo tấm bảng này, mình vô phải quan sát coi trật tự của nó thế nào, sử dụng xong, trả lại nguyên trạng.

Nhiều công ty phỏng vấn, thấy ứng viên kéo ghế ra ngồi xong cái đứng lên bỏ đi, đánh rớt luôn, vì không biết xếp lại cái ghế. Ly nước uống dở trên bàn cũng không đem dẹp. Cứ để đó. Mở cửa ra rồi không khép lại. Lấy giấy tờ xuống coi rồi không bỏ lên. Lấy hàng ra coi rồi vứt lung tung trong siêu thị. Làm rớt rác xuống đất mà cũng không buồn cúi xuống nhặt bỏ vào thùng rác. Nên nếu mình làm cha làm mẹ, nhắc nhở con kỹ việc này. Còn nếu là mình, phải chịu khó để ý quan sát, kẻo bị sỉ nhục ở nước ngoài. Họ rất khó chịu khi mình bày ra mà không dọn dẹp. Hay lau tay thiệt khô mới bước ra ngoài, đừng làm cái nắm tay ở cửa ướt nhẹp, người sau mở cửa, sờ vô cái tay cầm ướt nhẹp như vậy, người ta sẽ sợ hãi vì gớm.

Cách đây mười mấy năm, Tony đi Anh Quốc ghé đứa bạn đang du học. Nó thuê phòng ở 1 cái nhà gần trường, toilet và nhà tắm phải dùng chung với chủ nhà. Cái mình sử dụng xong, có tấm kính chắn giữa nhà tắm và bồn cầu, nhưng không rõ sao nước nó vẫn văng ra ngoài được. Cái cuộn giấy vệ sinh mình lấy ra sử dụng, quên bỏ lại trên kệ phía trên mà để ngay trên bồn rửa mặt. Bồn cầu xài xong lại không đậy nắp. Lúc đó còn ngáo ngơ, mới ra trường không được ai dạy dỗ mấy cái này.

Tối, nhỏ bạn đi về, bà chủ nhà kêu lên. Bả hỏi là ở Việt Nam, bộ tụi mày không được dạy về “clean up after use” hả. Mày lúc mới qua cũng vậy, tao nói miết mới sửa. Còn bữa này your friend (ý nói Tony) lại tiếp tục didn’t clean up after himself. Mày nói với bạn mày là "his mom is not here".

Mình nằm trong phòng lắng tai nghe. Thấy có tiếng cười của sinh viên mấy nước khác cùng nhà trọ. Có 1 sự cá nục không hề nhẹ.

Ốc Sên Xanh khi đọc chuyện này của dượng Tony xong mà thấy vừa nhột, vừa “nhụt”.

Cơ mà sau đó, mình đã cố gắng thay đổi thói quen để người nước ngoài nhìn vô thấy là người Việt Nam cũng biết “dọn sau khi dùng xong”.

Lúc trước, khi chưa biết cái này nên bị người ta chê cười cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” thôi. Giờ biết rồi thì quyết không để cả thế giới người ta khinh. Người ta không chỉ khinh cái người không biết dọn sau khi dùng xong mà người ta còn khi cả cái nơi mà người đó được giáo dục nuôi dưỡng, cũng là khinh cái nơi “chôn nhau cắt rốn”, quê hương đất nước mình đó.

Gì chứ có cái thói quen xấu mà không bỏ để một vòng Trái đất đâu đâu cũng thấy mấy cái bảng “vui lòng bỏ rác vào thùng” hay “dội nước sau khi đi vệ sinh” ghi bằng tiếng Việt thì đúng là cá nục á.

Vậy cho nên mấy bạn trẻ giờ phải học “Dọn dẹp khi dùng xong” đi nha. Hổng phải mình đua đòi theo lối sống phương Tây, mà cái gì văn minh, tiến bộ thì mình phải tiếp thu, học hỏi chứ. Cả thế giới người ta như vậy mà. Làm sao để sau này người Việt Nam đi tới đâu người ta cũng hân hoan, nồng nhiệt tiếp đón, còn mình thì ưỡn ngực ngẩng cao đầu tự hào với cả thế giới mình là người Việt Nam!

Trích CAFÉ CÙNG TONY (có trên Giá sách của các chi nhánh SACOM) 

Phạm Miên sưu tâm